Dạy học môn Tiếng Việt lớp 5 theo CTGDPT2018 giúp học sinh hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu, năng lực chung và những năng lực đặc thù của môn học như: Năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học; rèn luyện các kĩ năng đọc, viết, nói, nghe; phát triển tư duy hình tượng và tư duy logic, góp phần hình thành hệ thống kiến thức phổ thông, có nền tảng về Tiếng Việt và văn học… Sách giáo khoa được xem như một ngữ liệu, nhằm giúp học sinh đạt chuẩn trong chương trình quy định, cũng theo lẽ đó sách giáo khoa không còn là pháp lệnh như trước đây. Giáo viên còn nhiều bỡ ngỡ trong việc thiết kế một kế hoạch dạy học phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh để nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Việt. Thực hiện hiện nhiệm vụ năm học 2024- 2025, được sự chỉ đạo của Phòng GD&ĐT quận Kiến An, chiều ngày 26/9/2024 tại trường Tiểu học Trần Thành Ngọ đã tổ chức thành công Chuyên đề chuyên môn cấp Quận “Dạy học môn Tiếng Việt lớp 5 theo chương trình GDPT 2018” năm 2024 nhằm làm rõ phần nào những vướng mắc nêu trên trong quá trình triển khai thực hiện. Tới dự chuyên đề có: - Đ/c Hoàng Thị Hương - Phó Trưởng phòng, Phòng GD&ĐT quận
- Đ/c Đặng Kim Tuyến- Chuyên viên Phòng GD&ĐT quận
- Cùng đại diện Ban giám hiệu và giáo viên khối 5 của các trường Tiểu học trong toàn quận
Thực hiện chuyên đề: Tiết 1: Luyện từ và câu: “Từ đồng nghĩa”, do cô Phạm Thị Dịu và HS lớp 5D trường TH Ngọc Sơn thực hiện. Tiết 2: Viết: “Tìm hiểu cách viết bài văn tả phong cảnh” do cô giáo Phạm Thị Thu Thuỷ và HS lớp 5A7, Trường TH Trần Thành Ngọ thực hiện. Cả hai tiết học diễn ra nhẹ nhàng, vui vẻ và giàu cảm xúc. Học sinh tích cực, tham gia hết mình, lớp học luôn tràn đầy năng lượng và học tập hiệu quả. Tiết dạy với sự kết nối, chủ động của thầy và trò cùng sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ đã để lại nhiều ấn tượng và cảm xúc đặc biệt với người dự. Ở tiết 1: Bằng việc tổ chức các hình thức tổ chức phong phú: hoạt động cá nhân, hoạt động nhóm, trò chơi, … GV kích thích được sự hứng thú của học sinh, HS chủ động trong các hoạt động, có kĩ năng tra từ điển để tìm hiểu nghĩa của từ, biết trao đổi, phản biện và giải thích tường minh cách làm. Qua đó phát triển năng lực tự chủ, tự học, giao tiếp và hợp tác và phát triển năng ngôn ngữ: đó là biết sử dụng từ đồng nghĩa trong khi nói và viết. Ở Tiết 2: Giáo viên đã sử dụng linh hoạt các kĩ thuật dạy học hiện đại và chủ động khai thác tối đa công nghệ số và các thiết bị dạy học số phù hợp, từ đó khai thác nội dung bài học theo hướng tiếp cận gần gũi, trực quan và sinh động. HS nhận biết được cách viết bài văn tả phong cảnh (tả theo từng bộ phận của cảnh) với bố cục 3 phần (mở bài, thân bài, kết bài) và các lưu ý khi viết bài văn miêu tả phong cảnh. Thông qua đó rèn cho học sinh các năng lực khái quát hoá, giải quyết vấn đề, giao tiếp, làm việc nhóm, trình bày ý kiến trước tập thể. Từ đó học sinh biết thể hiện yêu thiên nhiên và có ý thức bảo vệ vẻ đẹp của thiên nhiên. Sau chuyên đề là phần Hội thảo: Các đồng chí cán bộ, giáo viên các trường đã có những ý kiến đóng góp thiết thực, hiệu quả thể hiện trách nhiệm cao, cùng nhau trao đổi tháo gỡ những khó khăn khi thực hiện CT môn Tiếng Việt lớp 5. Phát biểu tại chuyên đề đồng chí Hoàng Thị Hương - Phó Trưởng phòng, Phòng GD& ĐT đánh giá cao sự chuẩn bị cùng sự thể hiện thành công của 2 cô giáo và học sinh hai nhà trường. Đồng chí cũng giải đáp và thống nhất một số nội dung còn băn khoăn của giáo viên khi thực hiện Chương trình môn Tiếng Việt lớp 5 theo chương trình GDPT 2018.