Giáo dục STEM là một cách tiếp cận liên môn trong dạy và học, kết nối các lĩnh vực khoa học, kĩ thuật, Công nghệ, Toán... Ngoài ra, giáo dục STEM còn giúp trang bị cho học sinh những kỹ năng mềm cần thiết cho sự thành công trong công việc sau này như kỹ năng cộng tác, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo, tư duy phản biện… Đẩy mạnh mô hình giáo dục STEM trong nhà trường nhằm khơi dậy khả năng sáng tạo, đam mê nghiên cứu khoa học của học sinh là yêu cầu cấp thiết trong năm học 2024- 2025 của Trường Tiểu học Trần Thành Ngọ. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm học, nhà trường và các tổ chuyên môn đã có sự chuẩn bị kĩ càng về cơ sở vật chất, kiến thức chuyên môn cũng như các kĩ năng cần thiết để đưa dạy học STEM vào chương trình đạt được hiệu quả tốt nhất. Thực hiện kế hoạch chuyên môn năm học 2024-2025, chào mừng kỉ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024), sáng ngày 16/11/2024, Trường Tiểu học Trần Thành Ngọ long trọng tổ chức Chuyên đề chuyên môn cấp Trường với chủ đề "Dạy học giáo dục STEM chương trình GDPT 2018” qua 2 tiết dạy: + Tiết 1: Bài học STEM
Bài: Máy chiếu phim lưu động
Người thực hiện: Cô giáo Phạm Thị Ngọc và các em HS lớp 3A2.
+ Tiết 2: Bài học STEM
Bài : Chuỗi thức ăn trong tự nhiên (tiết 2)
Người thực hiện: cô giáo Nguyễn Thị Lan và các em HS lớp 4A5
Đến dự với chuyên đề có: - Đ/c Phạm Thị Hải An - Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng
- Đ/c Vương Thu Nhung - Phó HT
- Đ/c Đoàn Thị Thu Phương - Phó HT. Cùng các đồng chí giáo viên trong toàn trường.
Cả 2 tiết học diễn ra với sự sôi nổi, tích cực, chủ động chiếm lĩnh kiến thức của các bạn học sinh. Cụ thể: Các em lớp 4 đã biết vận dụng các đặc điểm các chuỗi thức ăn trong tự nhiên, xây dựng sơ đồ tư duy, thiết kế mỗi câu chuyện theo các chuỗi thức ăn và làm đồ dùng phục vụ cho phần trình diễn của câu chuyện, từ đó phát triển các năng lực và kỹ năng không chỉ trong lớp học mà còn ngoài đời thực. Còn các em học sinh lớp 3 biết dựa vào kiến thức về cảnh quan thiên nhiên của đất nước, cấu tạo của máy chiếu phim để tạo ra các sản phẩm máy chiếu phim lưu động, đưa ra những thước phim hay, sinh động về những cảnh quan thiên nhiên của đất nước mang tính ứng dụng cao vào thực tiễn. Có thể thấy rõ sự hào hứng, chủ động, tự giác trong việc sưu tầm nguyên vật liệu, đồ dùng,… của các em trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu, ghi chép về vấn đề và lên ý tưởng thiết kế. Đồ dùng học tập và các nguyên vật liệu được các em học sinh sử dụng rất linh hoạt, thành thạo để cùng nhau xây dựng ý tưởng hay thiết kế sản phẩm. Đây cũng chính là điểm hấp dẫn nhất của tiết học STEM: học sinh được cùng nhau tự tay làm ra sản phẩm để tham gia triển lãm ngay tại lớp. Tiết học đã thực sự trao cho các em cơ hội vận dụng nhiều kĩ năng quan trọng như kĩ năng làm việc nhóm, quan sát, giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo, tư duy phản biện… và đặc biệt là kĩ năng tự học, tự nghiên cứu,… để khám phá nhiều kiến thức cần thiết cho mục tiêu làm sản phẩm STEM cả nhóm.
Thông qua những Bài học STEM, các em được được trải nghiệm, được khám phá, được tự tay làm ra những sản phẩm từ các đồ dùng thật, các em tập trung say sưa vào hoạt động, được thỏa mãn sự tò mò và trẻ tích cực tư duy tưởng tượng để tạo ra sản phẩm, từ đó nảy sinh ở trẻ niềm đam mê với công nghệ và khoa học. Buổi chuyên đề diễn ra trong không khí sôi nổi và hào hứng, lan tỏa tới tất cả các giáo viên của nhà trường.